QUÁ TRÌNH THI CÔNG ÉP CỌC NHÀ PHỐ
Quá trình thi công móng là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình xây dựng, đóng vai trò nền tảng vững chắc cho toàn bộ công trình. Một hệ thống móng được thiết kế và thi công đúng kỹ thuật không chỉ đảm bảo độ bền vững của ngôi nhà mà còn giúp tối ưu hóa chi phí và thời gian thi công. Hãy cùng khám phá quá trình thi công ép cọc cùng Kiến Trúc Mới nhé!
CHUẨN BỊ MẶT BẰNG,ĐỊNH VỊ TIM CỌC,CHUẨN BỊ CỌC TRONG QUÁ TRÌNH THI CÔNG MÓNG
1. Chuẩn bị mặt bằng
Trước khi thi công,công việc cần làm trước tiên là làm sạch khu vực,tạo mặt bằng trống. Để công việc ép cọc diễn ra thuận lợi,các anh em thi công của Kiến Trúc Mới cần loại bỏ các công trình cũ (nếu có), cây cối, đá, rác thải và các vật liệu không cần thiết khỏi khu vực xây dựng. Phá dỡ các công trình tạm thời, tường rào cũ hoặc các công trình phụ trợ khác có trên đất và xử lý phế thải xây dựng, chuyển rác thải đến bãi tập kết theo quy định.
Sử dụng máy móc như xe ủi, xe xúc, xe ben để tiến hành phá dỡ,làm phẳng mặt bằng và di chuyển vật liệu. Đồng thời phải đảm bảo an toàn cho công nhân trong quá trình phá dỡ và dọn dẹp, đặc biệt khi có cấu trúc ngầm hoặc công trình cũ có nguy cơ sập. Đồng thời cần tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường, tránh làm ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước.
2. Định vị tim cọc
Định vị tim cọc là bước quan trọng trong quá trình thi công móng, giúp xác định chính xác vị trí các cọc theo thiết kế, đảm bảo độ bền vững và khả năng chịu tải của công trình. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác cao nhằm tránh sai lệch, ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng. Chính vì thế chúng ta cần phải:
- Bước 1: Kiểm tra bản vẽ thiết kế và xác định vị trí đặt từng cọc.
Xem xét chi tiết bản vẽ, nắm rõ vị trí và số lượng cọc cần định vị. Các thông số cần đặc biệt chú ý bao gồm khoảng cách giữa các cọc, trục lưới và tọa độ của từng cọc. Các thiết bị cần sử dụng bao gồm máy toàn đạc, máy thủy bình, thước đo, dây căng và các dụng cụ phụ trợ khác như cọc mốc, thước dây. Trước khi bắt đầu, đảm bảo rằng máy toàn đạc đã được kiểm chuẩn và điều chỉnh chính xác để tránh sai số trong quá trình định vị.
- Bước 2: Định vị các mốc chuẩn
Xác định các mốc chuẩn trên mặt bằng xây dựng dựa theo các điểm mốc đã có trên bản vẽ. Các mốc chuẩn sẽ là cơ sở để định vị các vị trí tim cọc. Đặt máy toàn đạc tại vị trí thích hợp để có thể bao quát được toàn bộ khu vực cần định vị. Căn chỉnh máy theo các mốc chuẩn đã xác định để đảm bảo độ chính xác cao nhất.
- Bước 3: Xác định tọa độ tim cọc
Sử dụng máy toàn đạc để đo đạc khoảng cách và tọa độ từ các mốc chuẩn đến vị trí các cọc trên mặt bằng. Máy sẽ cung cấp số liệu chính xác về khoảng cách, góc và tọa độ cho từng cọc. Sau khi xác định tọa độ của từng tim cọc, tiến hành đánh dấu bằng cách đóng các cọc gỗ hoặc cọc thép nhỏ tại các vị trí đã đo đạc. Các cọc này sẽ là điểm tham chiếu khi đóng cọc thật sau này.
Kiểm tra và hiệu chỉnh.
- Bước 4: Kiểm tra lại độ chính xác
Sau khi đánh dấu toàn bộ vị trí các tim cọc, cần kiểm tra lại bằng cách sử dụng máy trắc đạc để so sánh với bản vẽ thiết kế. Nếu phát hiện sai lệch, tiến hành hiệu chỉnh ngay để đảm bảo các cọc được định vị chính xác. Ghi lại toàn bộ kết quả đo đạc, tọa độ từng tim cọc để lưu hồ sơ. Điều này giúp dễ dàng theo dõi và kiểm tra trong các giai đoạn tiếp theo.
3. Quá trình vận chuyển cọc khi thi công ép cọc.
Cọc là vật liệu nặng và cồng kềnh, do đó, quá trình vận chuyển cần được thực hiện đúng kỹ thuật để tránh hư hỏng cọc và đảm bảo an toàn:
- Cần kiểm tra kỹ các nội dung sau trước khi ép cọc:
Kiểm tra vật liệu cọc bê tông:
– Chứng chỉ xuất xưởng của cốt thép, xi măng; kết quả thí nghiệm kiểm tra mẫu thép, và cốt liệu cát, đá, xi măng, nước theo các tiêu chuẩn hiện hành;
– Cấp phối bê tông;
– Kết quả thí nghiệm mẫu bê tông;
– Đường kính cốt thép chịu lực;
– Đường kính, bước cốt đai;
– Lưới thép tăng cường và vành thép bó đầu cọc;
– Mối hàn cốt thép chủ vào vành thép;
– Sự đồng đều của lớp bê tông bảo vệ;
Kiểm tra kích thước hình học của cọc bê tông:
– Sự cân xứng của cốt thép trong tiết diện cọc;
– Kích thước tiết diện cọc;
– Độ vuông góc của tiết diện các đầu cọc với trục;
– Độ chụm đều đặn của mũi cọc.
Nghiệm thu cọc bê tông trước khi sử dụng
– Toàn bộ thân cọc không được có vết nứt rộng hơn 0,2 mm. Độ sâu vết nứt ở góc không quá 10 mm.
– Tổng diện tích sứt góc và rỗ tổ ong không lớn hơn 5% tổng diện tích bề mặt cọc và không quá tập trung.
– Không được dùng các đoạn cọc có độ sai lệch về kích thước vượt quá quy định trong bảng sau:
- Lên kế hoạch vận chuyển: Xác định tuyến đường, phương tiện phù hợp (xe tải, xe cẩu, xe chuyên dụng) để đảm bảo quá trình vận chuyển không ảnh hưởng đến kết cấu cọc.
-
Xếp dỡ cọc đúng kỹ thuật: Sử dụng xe cẩu hoặc thiết bị nâng hạ phù hợp để tránh gây nứt, vỡ cọc khi di chuyển.
-
Bảo quản cọc tại công trường: Đặt cọc trên nền bằng phẳng, tránh tiếp xúc trực tiếp với nước và môi trường gây ăn mòn.
4. Chuẩn bị hệ thống điện, nước:
Lắp đặt hệ thống điện:
- Xác định nhu cầu sử dụng điện tại công trường (cho máy móc, thiết bị chiếu sáng, thi công).
- Kéo nguồn điện từ trạm gần nhất hoặc sử dụng máy phát điện dự phòng.
- Bố trí hệ thống dây dẫn an toàn, tránh gây nguy hiểm cho công nhân thi công.
Lắp đặt hệ thống nước:
- Xác định nguồn nước cấp (nước sạch, nước phục vụ trộn bê tông, làm mát máy móc).
- Bố trí đường ống dẫn nước hợp lý, tránh rò rỉ hoặc thất thoát nước.
- Lắp đặt hệ thống thoát nước nhằm đảm bảo mặt bằng khô ráo, tránh ngập úng.
Cả hai công đoạn này đều cần có sự kiểm tra kỹ lưỡng và giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng công trình và an toàn lao động.
TIẾN HÀNH THI CÔNG ÉP CỌC
1.Tiến hành thi công ép thử cọc
Ép thử cọc là một bước quan trọng trong quá trình thi công móng, nhằm kiểm tra sức chịu tải của cọc trước khi tiến hành ép hàng loạt. Thử nghiệm này giúp đánh giá khả năng chịu lực của nền đất cũng như đảm bảo chất lượng công trình về lâu dài.
Quy trình:
- Chuẩn bị thiết bị và cọc thử: Lựa chọn cọc thử có cùng tiêu chuẩn với cọc chính thức, kiểm tra bản vẽ,vị trí, hệ thống máy ép và các thiết bị đo lường.
- Tiến hành ép thử: Ép cọc xuống đất với tải trọng tăng dần, theo dõi phản ứng của nền đất và độ lún của cọc.
- Ghi nhận kết quả: Đo lực ép tại các giai đoạn khác nhau để xác định khả năng chịu tải của cọc, từ đó điều chỉnh phương án thi công nếu cần.
2.Chất tải lên khung đế
Đảm bảo khung đế chịu được tải trọng khi ép tới lực PMAX, ngăn ngừa hiện tượng lật tải và đảm bảo an toàn thi công.
- Tải trọng của khung đế phải bao gồm tải của chính khung và tải bổ sung, đảm bảo lớn hơn ít nhất 1,1 lần PMAX (lực ép tối đa).
- Tải bổ sung lên khung đế phải đảm bảo lực ép lên cọc không gây lật tải. Có thể sử dụng vật liệu như bê tông hoặc thép làm tải trọng.
- Sau khi chất tải, kiểm tra độ ổn định của khung đế, đảm bảo hệ thống không bị lật hoặc biến dạng trong quá trình ép cọc tới PMAX.
3.Tiến hành ép cọc
Để đảm bảo quy trình thi công móng cọc đúng kỹ thuật, thì quá trình ép cọc diễn ra phải chính xác, an toàn, giúp cọc xuyên vào đất đúng độ sâu và không bị lệch.
Dựng cọc vào vị trí
- Cọc cần được kiểm tra kỹ trước khi ép, đảm bảo không có hư hại ảnh hưởng đến quá trình ép.
- Cọc được đưa vào đúng vị trí trên đá đỡ cọc, đảm bảo mũi cọc hướng chính xác theo thiết kế. Quá trình dựng cọc cần thực hiện cẩn thận để đảm bảo cọc đứng thẳng đứng, không bị nghiêng, lệch.
- Sử dụng thiết bị đo đạc như thước đo độ nghiêng, máy thủy bình hoặc máy toàn đạc để kiểm tra độ thẳng đứng của cọc trước khi ép.
Gắn đầu cọc vào thiết bị ép
- Đầu trên của cọc được gắn chắc chắn vào thanh định hướng của thiết bị ép. Thanh định hướng giúp giữ cọc theo phương thẳng đứng trong suốt quá trình ép, tránh việc cọc bị xoay hoặc lệch.
- Trước khi ép, cần kiểm tra toàn bộ hệ thống thiết bị, đảm bảo máy ép, thanh định hướng, và các bộ phận liên quan hoạt động tốt và đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.
Quá trình ép cọc
- Quá trình ép cọc cần được tiến hành chậm rãi, với áp lực tăng từ từ và đều đặn. Việc này giúp cọc xuyên sâu vào trong đất một cách ổn định mà không gây ra sốc lực lớn, làm hư hại cọc hoặc máy móc.
- Trong suốt quá trình ép, kỹ sư và công nhân cần theo dõi kỹ lưỡng các thông số về áp lực ép, chiều sâu cọc và tình trạng cọc. Nếu phát hiện có sự bất thường (như áp lực đột ngột tăng hoặc giảm, cọc khó xuyên vào đất), cần dừng lại để kiểm tra và xử lý.
Xử lý sự cố trong quá trình ép
- Nếu phát hiện cọc bị nghiêng trong quá trình ép (do sai sót kỹ thuật hoặc địa chất), cần dừng ngay lập tức. Việc ép tiếp tục trong khi cọc bị nghiêng có thể gây hư hại cho cọc, làm lệch vị trí thiết kế, và ảnh hưởng đến khả năng chịu tải của cọc.
- Khi cọc bị nghiêng, cần dừng ép và điều chỉnh lại phương cọc về đúng vị trí thẳng đứng. Quá trình căn chỉnh có thể bao gồm việc tháo cọc ra, chỉnh lại vị trí đá đỡ cọc, hoặc sử dụng các biện pháp kỹ thuật khác để đưa cọc về đúng phương hướng.
Sau khi đã điều chỉnh cọc, tiếp tục kiểm tra độ thẳng đứng và chắc chắn của cọc trước khi tiếp tục ép.
4.Nghiệm thu cọc ép
- Cán bộ kỹ thuật hiện trường cần phải theo dõi, kiểm tra xuyên suốt trong quá trình thi công. Lập hồ sơ theo danh muc, ghi chép nhật ký ép cọc, đo hoàn công cọc sau khi ép. Chủ đầu tư hoặc đại diện đơn vị tư vấn giám sát cùng nghiệm thu theo quy định cho từng cọc tại hiện trường, lập biên bản nghiệm thu và xác nhận. Nếu có sự cố phải báo cho đơn vị Thiết kế để xử lý.
- Nghiệm thu công tác thi công cọc tiến hành dựa trên các hồ sơ sau:
+ HSTK thi công được phê duyệt.
+ Biên bản nghiệm thu tim cọc.
+ Chứng chỉ xuất xưởng của cọc và kết quả thí nghiệm (nếu có).
+ Nhật ký thi công cọc, biên bản nghiệm thu cọc.
+ Hồ sơ hoàn công cọc.
Trên đây là quá trình thi công ép cọc nhà phố. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm những kiến thức và kinh nghiệm trong việc thi công ép cọc để đảm bảo chuẩn chỉnh trong từng kỹ thuật. Hãy đón xem nhiều bài viết khác về thi công cùng Kiến Trúc Mới nhé!