GÓC CHIA SẺ KINH NGHIỆM

Bật mí những vật liệu chống nóng trong xây dựng

Ở Việt Nam, do đặc điểm của khí hậu nhiệt đới nên thời tiết rất khó chịu, nhất là vào các mùa nắng nóng. Vì vậy, khi thiết kế nhà phố hay các khu chung cư, văn phòng v.v... cũng nên đề cập đến vấn đề chống  nhiệt.

Hiện có thể nói, một số công trình có thiết kế hiện đại dùng mảng khối lớn, cửa kính mở rộng ít lưu ý đến vấn đề mở cửa thế nào để thông thoáng tốt mà không tăng bức xạ nhiệt vào nhà. Trong khi nếu để ý các công trình “nhà Tây” thời Pháp sẽ thấy họ làm tường dày đến 30-40cm, tỷ lệ mở cửa hạn chế, mái và hiên vươn rộng… nên thích ứng khí hậu nhiệt đới khá tốt.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại vật liệu sử dụng chống nhiệt tốt trong xây dựng. Thiết nghĩ trong quá trình thiết kế nhà hay quá trình thi công xây dựng nhà phố thì các KTS và chủ nhà cũng nên tìm hiểu và bàn bạc cặn kẽ về vấn đề này. Như các thế hệ vật liệu tiên tiến thân thiện môi trường gần đây (như gạch không nung, tấm lợp sinh thái… ) đều có khả năng cách nhiệt khá hiệu quả, chủ yếu là chủ nhà có chịu đầu tư và muốn công trình của mình tốt hay không.

Hoặc Ví dụ như:  Hệ cửa uPVC nhôm nhựa lõi thép, dùng kính hộp cách nhiệt, có phủ lớp phản quang… là những tính năng vật liệu giúp cách nhiệt hiệu quả hơn, nhưng không phải đa số người tiêu dùng hiện nay nắm rõ.

Chọn đúng loại có chất lượng thì sẽ giảm thiểu việc xử lý hậu quả về sau, kèm theo cả chống ồn, chống mưa tạt, rỉ nước… nên có thể giá thành lúc đầu sẽ cao hơn cửa nhôm, gỗ, sắt gắn kính thông thường.

Bên cạnh đó, các loại vật liệu thân thiện với môi trường như gỗ nhân tạo, tre nứa … vốn thuộc nhóm mộc mạc có cấu tạo xốp rỗng, ít tích tụ bức xạ nhiệt mà còn giúp làm triệt tiêu bớt oi bức nếu khéo đan cài, sắp xếp tạo thành các lớp mái, mành, lam che nắng và thông gió hiệu quả, giảm cảm giác nặng nề, bít bùng cho không gian. Tuy nhiên, khi sử dụng các loại vật liệu tự nhiên này cần phải lưu ý đến kỹ thuật chế tác phù hợp để tránh xuống cấp mau chóng, và cần quan tâm đến sự tương thích hài hòa về kiến trúc, nội thất của tổng thể công trình, tránh tình trạng lạm dụng tranh tre, gạch thô, gỗ vụn như một số công trình quán xá xuất hiện thời gian gần đây.

Ví dụ: ở nơi trống trải thì gió luân chuyển mạnh hơn như nhà gần công viên, ven sông, ven biển… thì cho dù có nắng chiếu trực xạ vẫn giải nhiệt tốt hơn. Khi đó nếu sử dụng hệ lam che nắng bằng chất liệu hiện đại như nhôm nhựa, tấm smart boards, gỗ nhân tạo bằng xi măng ép… với thiết kế che chắn linh hoạt dạng bình phong sẽ giúp chống bức xạ cho bề mặt nhà mà vẫn có đầy đủ ánh sáng cũng như độ thông thoáng.

Cây xanh cũng là “chất liệu” giảm nóng đáng kể nếu khéo dùng và cân đối được các lợi ích (chi phí chăm sóc, tưới và thoát nước, ngăn ngừa sâu bọ… ). Một mảng tường có dây leo xanh luôn mát mẻ hơn là để phẳng lì chói chang.

Chống nóng trong các căn hộ chung cư nếu có thường chỉ do mặt ngoài tiếp giáp cửa sổ đúng hướng nắng gắt, và có thể khắc phục bằng các xử lý nội thất như dùng hệ rèm cản quang, dán phim cách nhiệt lên cửa kính, đặt thêm cây xanh ngoài ban công v.v.. .là đủ.

Mặt khác, cái nóng sinh ra không chỉ do từ ngoài tác động vào, mà còn bởi máy móc, vật dụng nội thất sinh nhiệt, cũng như do sự ngăn chia bức bí khiến không gian trở nên ngột ngạt (nhà phố, biệt thự). Thậm chí nếu lạm dụng vật liệu gỗ tự nhiên sậm màu trong nhà nhiều sẽ có thể gia tăng cảm giác nóng nực, nhất là trong nhà phố hẹp.

Nguồn: Tổng hợp

Các dự án khác

BẾP – TRÁI TIM CỦA GIA ĐÌNH

BẾP – TRÁI TIM CỦA GIA ĐÌNH

Từ những căn bếp cổ xưa nhất đến những nhà bếp hiện đại của ngày hôm nay, đều mang đến cho con người ít nhất hai đều: sự ấm cúng và miếng ăn ngon.
GIẢI PHÁP CHỐNG THẤM CHO MẶT NGOÀI NHÀ

GIẢI PHÁP CHỐNG THẤM CHO MẶT NGOÀI NHÀ

Nhà bạn vừa xây xong, nhưng niềm vui nhà mới chưa được bao lâu, sau một cơn mưa rào bạn thấy xuất hiện những vệt nước trên tường. Vệt nước đó ngấm loang lổ rồi làm bong tróc lớp sơn vừa mới quét.